Futsal và Football – không yêu đừng nói lời cay đắng
(Bài viết giúp Ngôi Nhà Futsal đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Đồng hành cùng Giải Futsal VĐQG 2016” do VFF tổ chức).
Futsal Việt Nam đã được dự World Cup sau trận thắng Nhật Bản tại Giải Futsal Châu Á 2016 hồi tháng 2 vừa qua, ấy vậy mà chiến tích tưởng chừng như là thần kỳ ấy vẫn chưa thể tạo ra một cú hích cho sự phát triển của bộ môn này tại Việt Nam.
Khán giả đến sân không quá đông tại Giải Futsal Vô Địch Quốc Gia 2016 sắp sửa kết thúc, dù ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay cái nôi của Futsal là TPHCM, thậm chí nhiều người còn chẳng biết là giải đấu này đang diễn ra. Nhưng, điều đó không có nghĩa là, mọi người được quyền xem nhẹ bộ môn này. Mỗi môn thể thao đều có giá trị riêng của nó, và Futsal cũng vậy.
Football hơn Futsal ở điểm nào?
Futsal là môn thể thao mà nếu đẳng cấp 2 bên chênh lệch quá rõ, kết quả gần như được đoán trước ngay khi mới bốc thăm xong, thậm chí kết quả thực tế có thể vô cùng lớn (mà các khán giả hẳn là không ưa thích những trận đấu 1 chiều).
Ở Đông Nam Á hiện tại, Thái Lan gần như được mặc định cho chức vô địch. Ở Châu Á, thi đấu bán kết mà Iran thắng Việt Nam với khoảng cách bàn thắng lên đến 2 chữ số (điều không tưởng trong Football). Còn trong Football, những đội bóng lớn có thể cuối cùng vẫn vô địch giải đấu, nhưng việc họ bất ngờ thua những đội bóng nhỏ, thậm chí là những đội thi đấu ở hạng dưới vẫn xảy ra thường xuyên.
Football có những cú sút phạt trực tiếp đẹp mắt bay theo những đường cong vượt qua hàng rào, hay những pha bật nhảy đánh đầu dũng mãnh để kết thúc đường tạt bổng của đồng đội. Ở Futsal, để tìm được một bàn thắng ghi bằng đầu là rất khó, còn những pha đá phạt trực tiếp thường được tổ chức dàn xếp phối hợp rồi mới thực hiện cú dứt điểm.
Bên cạnh đó, chiến thuật thi đấu của Football rất đa dạng, từ sơ đồ vị trí (4-3-3, 4-4-2, 4-2-3-1, 4-3-2-1, 3-5-2, 3-4-3…) đến trường phái (tấn công tổng lực, tiki-taka, phòng ngự bê tông, counterpressing…). Người xem dễ nhận ra bản sắc trong lối chơi của một đội bóng Football.
Còn ở Futsal, sơ đồ vị trí ít hơn (phổ biến nhất là 3-1 và 4-0), gần như không có một trường phái thật sự rõ rệt, cách di chuyển của các cầu thủ trên sân và các bài đá cố định cũng có phần mang tính rập khuôn, thực hiện dựa trên quy trình đã tập luyện trước theo một chuẩn mẫu, nên khán giả xem nhiều đôi khi sẽ có cảm giác như đội nào đá cũng “na ná” như nhau.
Không phải “vua”, Futsal đơn giản là Futsal
Futsal có lẽ sẽ không bao giờ đạt đến vị trí của một môn thể thao được gọi là “vua” như Football, không chỉ vì những điểm thua thiệt nói trên hay vì được phổ biến chậm hơn (Football đã có World Cup từ những năm 30 của thế kỷ 20, còn Futsal tuy được cho là cũng ra đời trong khoảng thời gian ấy, nhưng mãi đến năm 1989 mới có kỳ World Cup chính thức đầu tiên), mà còn bởi vì giá trị thương mại nó tạo ra chắc chắn không thể bằng Football.
Giá trị thương mại hình thành nhờ sự thu hút người xem, mà nhà thi đấu trận chung kết kỳ Futsal World Cup gần nhất tại Thái Lan năm 2012 có sức chứa chỉ khoảng 12 nghìn người, trong khi đây là con số thuộc vào hạng trung bình cho sức chứa của một sân vận động ngoài trời. Tuy nhiên, Futsal sở hữu những nét hay rất riêng, mà Football không thể có.
Ở Futsal, tốc độ trận đấu diễn ra rất nhanh, những pha bóng đôi công qua lại giữa 2 đội có thể diễn ra liên tục tạo nên sự hấp dẫn xuyên suốt trận đấu, quả bóng từ tay thủ môn có thể tìm đến khung thành đối phương chỉ trong vài giây, không như Football, đến cả một gã khổng lồ như Manchester United cũng có lúc bị cho là đá “buồn ngủ” vì chuyền bóng ở giữa sân quá nhiều, mà chắc chắn thứ tạo nên cảm xúc nhất cho khán giả là những pha hãm thành.
Ở Futsal, do tốc độ trận đấu diễn ra nhanh, bàn thắng có thể đến trong tích tắc, và liên tục. Có thể chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút thôi, khán giả sẽ được thưởng thức đến 2 – 3 bàn thắng. Đặc biệt, với quy định bấm giờ chết (nghĩa là đồng hồ sẽ dừng lại khi bóng ngoài cuộc), một đội bóng dù đang dẫn trước khi trận đấu chỉ còn 2 – 3 giây thì cũng chưa thể nắm chắc phần thắng.
Ở Futsal, do đặc thù bộ môn là sử dụng bóng không nảy, và cầu thủ đi giày đế bằng, các khán giả có thể được xem những tình huống xử lý kỹ thuật đẹp mắt từ mọi cầu thủ trên sân, kể cả những thủ môn, thay vì hầu như chỉ thấy ở những siêu sao như Football.
Ở Futsal, các khán giả được xem những tình huống dàn xếp đá biên, đá phạt trực tiếp, đá phạt góc bài bản, khoa học, còn trong Football hầu như chỉ đơn thuần là ném biên, sút vào cầu môn và tạt vào vòng cấm.
Và cũng chỉ ở Futsal mới hình thành chiến thuật thi đấu bỏ thủ môn, sử dụng thủ môn dâng cao qua khỏi vạch giữa sân như một cầu thủ, lấy lợi thế hơn người để tấn công đối phương. Việc này có thể diễn ra với bất kỳ đội bóng nào ở bất kỳ thời điểm nào của trận đấu. Còn trong bóng đá, thủ môn thường chỉ dâng cao không quá nửa sân nhà để tham gia khâu đầu tiên của quá trình triển khai bóng và bọc lót cho đồng đội, chỉ khi đội đang thua mà sắp hết giờ mới tiếp cận khu phạt đền của đối thủ trong những tình huống cố định/chuyền dài.
Ai yêu Football, xin đừng dành lời cay đắng cho Futsal
Trong chúng ta, có người thích Futsal, có người thích Football, có người thích cả hai, đó đơn giản là sở thích cá nhân của mỗi người, chẳng ai có quyền can thiệp. Tác giả chỉ mong một điều là, những ai thích Football, nhưng không thích Futsal, thì cũng đừng nhìn về Futsal với thái độ tiêu cực, kiểu như là “môn kém cạnh tranh, thế giới chẳng mấy ai chơi”.
Đúng là mức độ cạnh tranh của Futsal không bằng Football, rất nhiều nước ở châu lục và thế giới mạnh về Football nhưng không mạnh Futsal. Tuy nhiên, thi đấu trong môi trường kém cạnh tranh hơn không có nghĩa là vinh quang có thể đến dễ dàng, mà mỗi một thành quả đều đánh đổi bằng sự khổ luyện.
Futsal vẫn là môn thể thao có đến 114 quốc gia trên bảng xếp hạng thế giới, là môn chơi mà rất nhiều người đã dành tiền bạc, thời gian và công sức để theo đuổi, góp phần tạo nên thành công được dự World Cup ngày hôm nay, và vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ qua từng ngày để tiếp tục xây dựng Futsal Việt Nam phát triển vững mạnh hơn trong tương lai. Một môn thể thao góp phần đưa tên tuổi đất nước Việt Nam vươn ra tầm thế giới, chắc chắn cần phải được tôn trọng.
Các khán giả, hãy cứ chọn thưởng thức môn thể thao mà mình yêu thích, điều đó cũng sẽ một phần đóng góp cho sự phát triển của môn thể thao ấy. Còn các đội bóng, dù là Football hay Futsal, hãy tiếp tục cố gắng tập luyện nâng cao trình độ, nâng cao hơn nữa giới hạn của bản thân.
Chỉ cần bạn nỗ lực không ngừng và đừng bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc, thành công ắt rồi sẽ đến, như Đội Tuyển Football đã làm được năm 2008 với chức vô địch AFF bằng trận thắng đại kình địch Thái Lan, và Đội Tuyển Futsal đã làm được năm 2016 với tấm vé tham dự World Cup sau khi thắng Nhật Bản – đội bóng hạng 2 Châu Á, hạng 12 thế giới.
1 bình luận
Bình luận